Huyện Lệ Thủy ở vào eo đất hẹp của lãnh thổ Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Bình, có tọa độ 160 55’ đến 170 22’ độ vĩ Bắc, 1060 25’ đến 1060 59’ độ kinh Đông [3, tr. 17], phía Bắc giáp với huyện Quảng Ninh, phía Nam giáp Vĩnh Linh, phía Đông giáp với Biển Đông, phía Tây giáp với tỉnh Khăm Muộn của Lào. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc, nhân dân Lệ Thủy đã làm tốt vai trò của mình đặc biệt trong khoảng thời gian tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại 1965-1973. Ở đây, trong phạm vi bài này chúng tôi muốn làm rõ vai trò của Lệ Thủy trong thời gian nói trên đối với tỉnh Quảng Bình, đối với miền Bắc và miền Nam.
1. Đối với tỉnh Quảng Bình
Ngày 16-6-1957, khi nói chuyện với cán bộ, quân dân
Quảng Bình và đoàn dân chính Đảng ở Vĩnh Linh tại sân vận động Đồng Hới, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc,
tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt và xấu của các cô, các chú ở đây đều
có ảnh hưởng đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc.
Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu
với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết. Các cô, các chú
phải chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhất là dân quân tự vệ” [8, tr. 3]. Có
thể nói rằng trong các huyện ở Quảng Bình thì huyện Lệ Thủy tiếp giáp Vĩnh Linh
nơi giới tuyến quân sự, đây là nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Do đó huyện Lệ
Thủy có vị trí, vai trò hết sức quan trong đối với tỉnh Quảng Bình trong sản
xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng với toàn tỉnh làm tốt nghĩa
vụ hậu phương.

Trong sản xuất, huyện Lệ Thủy xác định ví trí, trách
nhiệm quan trọng trong vấn đề lương thực phải đủ cung cấp cho tỉnh. Chúng ta
vẫn còn nhớ câu nói nổi tiểng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan: nếu
Lệ Thủy mất mùa thì cả tỉnh đói. Tổng kết thi đua năm 1967, cả tỉnh Quảng Bình
có 5 hợp tác xã được Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình khen thưởng thì
Lệ Thủy có hai hợp tác xã đó là hợp tác xã Đại Phong của xã Phong Thủy, hợp tác
xã Xuân Trung của Xuân Thủy, đặc biệt hợp tác xã Đại Phong còn được thưởng một
con bò đực giống trị giá 400 đ [10]. Chỉ trong tháng đầu sau ngày địch tạm
ngừng đánh phá lần thứ nhất, quân dân Lệ Thủy đã phục hóa được 400 ha đưa vào
canh tác, dẫn đầu các huyện thị trong tỉnh [5, tr. 215]. Năm 1969, hợp tác xã
thủ công Trần Phú hoàn thành 125,8% tăng hơn 12% so với năm 1968, chất lượng
sản phẩm tốt, xứng đáng là lá cờ đầu của nghành thủ công nghiệp tỉnh Quảng Bình
trong hai năm liền 1968-1969.
Cùng với sản xuất, nhân dân Lệ Thủy chiến đấu anh dũng,
lập nhiều chiến công xuất sắc đóng góp lớn đối với tỉnh Quảng Bình trong chiến
đấu với đế quốc Mỹ. Chính những chiến công này không chỉ đứng vững trước sự hủy
diệt của kẻ thù mà còn là sự động viên khích lệ nhân dân toàn tỉnh Quảng Bình
lập nhiều chiến công hơn nữa. Những chiến công oanh liệt, những hi sinh và tổn
thất to lớn mà nhân dân dân Lệ Thủy đã gánh chịu và vượt qua là một minh chứng
quan trọng để một lần nữa làm rõ vai trò của nhân dân Lệ Thủy đối với tỉnh
Quảng Bình trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Những
chiến công tiêu biểu đó là trận thắng của tự vệ công trường Cẩm Ly năm 1965.
Khoảng 20 giờ ngày 20 tháng 4 năm 1965, máy bay Mỹ kéo đến bắn phá vào công
trường hồ chứa nước Cẩm Ly. “Tổ tự vệ công trường do đồng chí Trần Quốc Thản
chỉ huy, nhanh chóng rời nơi làm việc, chiếm vị trí có lợi đánh trả mãnh liệt,
bắn rơi tại chổ một máy bay AD6. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của không quân
Mỹ bị dân quân tự vệ dùng súng bộ binh bắn rơi ban đêm trên miền Bắc” [6, tr.
146]. Trận thắng của tự vệ công trường Cẩm Ly đã tạo niềm tin và dấy lên phong
trào thi đua bắn rơi, bắn cháy máy bay Mỹ trong dân quân tự vệ huyện Lệ Thủy nói
riêng và toàn tỉnh Quảng Bình nói chung. Tiếp đó, năm 1966, Mỹ tăng cường ném
bom vào xã Ngư Thủy là một xã ven biển nằm phía Đông Nam huyện Lệ Thủy nhằm san
phẳng vùng dương xanh, cát trắng. Có đợt chúng ném bom liên tục mười ngày. Xóm
Liêm Ấp bị đốt cháy hầu hết các ngôi nhà. Nhưng với ý chí chống lại máy bay
địch và bảo vệ dân, tại trận địa Cồn Yến, dân quân Tây Thôn đốt lửa, bắn đạn
vạch đường, hút bom đạn về mình để bảo vệ dân. Ngư Thủy là hình ảnh của một
Quảng Bình dám xả thân “vì cả nước, với cả nước”. Tỉnh ủy Quảng Bình đã phát
động phong trào trong toàn tỉnh noi gương học tập “chiến đấu phòng không như
Ngư Thủy” [6, tr. 159]. Những chiến công nối tiếp chiến công, ngày 30-7-1967,
Lê Văn Dương dân quân xã Thái Thủy đi cắt tranh ở rẩy, mang theo súng trường
K44. Khi chiếc máy bay F100 của không quân Mỹ trinh sát trong khu vực, anh bình
tĩnh lợi dụng địa hình đồi cao, sẵn sàng nổ súng. Tên giặc lái chủ quan cho máy
bay lượn vòng và sà thấp xuống đồi tranh, chớp thời cơ, Lê Văn Dương bất ngờ nổ
súng. Chiếc máy bay trinh sát lao xuống đất, tan xác. Có thể nói, đây là lần
đầu tiên trong lực lượng dân quân tự vệ, một dân quân với một súng trường và
chỉ bằng một viên đạn đã bắn rơi máy bay Mỹ [6, tr. 161]. Cũng trong ngày Lê
Văn Dương lập công xuất sắc, quân và dân xã Dương Thủy huyện Lệ Thủy lập công
xuất sắc ghi tiếp vào bảng vàng chiến thắng của Quảng Bình bằng trận đánh bắn
rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 300 trên đất lửa. Cùng với xã Dương Thủy, đêm 27-7-1967,
chị Nguyễn Thị Triển dân quân xã Hưng Thủy thuộc huyện Lệ Thủy đã bắn rơi chiếc
máy bay RF4C chụp ảnh ban đêm được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ. Chiến thắng của
quân và dân Hưng Thủy lần nữa cho thấy chiến tranh nhân dân có sức mạnh to lớn,
có thể đối đầu với các phương tiện chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.
Từ sau Mậu Thân 1968, tình hình trên chiến trường Trị -
Thiên phức tạp. Lợi dụng những khó khăn và sơ hở của ta, Mỹ - Ngụy tập trung
lực lượng phản công quyết liệt hòng giành lại địa bàn đã mất, âm mưu đẩy chủ
lực của ta ra xa khỏi chiến trường. Hoạt động của địch đã gây cho ta nhiều tổn
thất đáng kể. Trị - Thiên khẩn thiết kêu gọi kêu gọi hậu phương chi viện. Chấp
hành mệnh lệnh của quân khu, tỉnh đội Quảng Bình khẩn trương tổ chức lực lượng
đưa vào chi viện cho chiến trường. “Được sự giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân địa
phương, tiểu đoàn hỏa lực - bộ binh lấy tên Đoàn Nhật Lệ của tỉnh được thành
lập. Quân số của đoàn có 510 đồng chí, chủ yếu là dân quân các huyện, nguồn cán
bộ rút từ bộ đội địa phương, chất lượng chính trị bảo đảm, hầu hết cán bộ chiến
sỹ đã qua chiến đấu ở các địa phương” [6, tr. 184]. Sau một tháng sắp xếp biên
chế và huấn luyện ở xã Hoa Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, Đoàn Nhật Lệ đã hành quân
vào mặt trận trước tết năm 1969. “Cùng với lực lượng chiến đấu, tỉnh Quảng Bình
đã thành lập một tiểu đoàn hỏa tuyến với quân số 505 người. Sau hai tuần khẩn
trương làm công tác chuẩn bị, tiểu đoàn hỏa tuyến đã lên đường vào mặt trận B5
phục vụ chiến đấu” [6, tr. 185]. Nhiều cán bộ, chiến sĩ dân quân huyện Lệ Thủy
chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong đội hình Đoàn Nhật Lệ và tiểu đoàn hỏa tuyến
của tỉnh trên chiến trường Trị - Thiên đã lập được những chiến công xuất sắc,
không ít người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất
nước, để lại niềm thương tiếc và kính phục trong lòng nhân dân Trị - Thiên.
Qua hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
từ năm 1965 đến 1973, Lệ Thủy là nơi có dân quân tự vệ bắn rơi máy may của Mỹ
nhiều nhất tỉnh Quảng Bình. Cụ thể huyện Lệ Thủy đã bắn rơi 37 chiếc trong khi
các huyện Quảng Ninh bắn rơi 25, huyện Bố Trạch 26 chiếc, huyện Quảng Trạch 26
chiếc, huyện Tuyên Hóa 13 chiếc, huyện Minh Hóa 5 chiếc, thị xã Đồng Hới 6
chiếc. Huyện Lệ Thủy cũng là huyện lập những mốc lịch sử quan trọng như ngày
30-7-1967 dân quân xã Dương Thủy bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của đế quốc Mỹ,
ngày 1-12- 1972 dân quân huyện Lệ Thủy bắn rơi chiếc thứ 700 của tỉnh. Cả tỉnh
Quảng Bình có 10 địa phương bắn rơi 3 máy bay Mỹ thì ở Lệ Thủy có 4 địa phương
đó là các xã Dương Thủy, Thanh Thủy, Phong Thủy, Ngư Thủy [8, tr. 23]. Huyện Lệ
Thủy có một phân đội phòng không lão dân quân xã Mai Thủy trong khi cả tỉnh có
2 phân đội phòng không và lập được chiến công bắn rơi 3 máy bay địch. Cả Tỉnh
Quảng Bình chỉ có duy nhất huyện Lệ Thủy có nữ đại đội pháo binh Ngư Thủy lập
chiến công bắn chìm 5 tàu chiến Mỹ. Tính đến thời điểm năm 1999, ở Lệ Thủy có
18 đơn vị được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trên tổng số 93 đơn
vị trong toàn tỉnh Quảng Bình đặc biệt có 3 đơn vị được trao trong thời kỳ
1965-1973 đó là: Trung đội dân quân du kích Tây Thôn xã Ngư Thủy, Đại đội nữ
pháo binh dân quân xã Ngư Thủy, dân quân du kích xã Phong Thủy. Có 2 cá nhân
được tặng danh hiệu anh hùng lao động đó là Nguyễn Ngọc Ánh xã Phong Thủy; Ngô
Mốc xã Ngư Thủy. Có 3 cá nhân được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân đó là: Nguyễn Xuân Giang xã Tân Thủy; liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ xã Thanh
Thủy; liệt sĩ Lê Công Mục xã Cam Thủy. Cả huyện có 54 bà mẹ Việt Nam anh hùng
là những con số minh chứng sinh động cho những đóng góp của nhân dân Lệ Thủy
đồng thời làm nổi bật vai trò vị trí của nhân dân Lệ Thủy đối với tỉnh Quảng
Bình trong chống Mỹ cứu nước đặc biệt trong hai lần chống chiến tranh phá hoại
1965-1973.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đặc biệt từ
năm 1965 đến năm 1973, cùng với tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy đã làm tốt vai
trò của mình đối với miền Bắc. Ở đây một mặt thấy được thành thích nổi bật của
nhân dân Lệ Thủy đối với miền Bắc mặt khác làm rõ vị trí quan trọng của Lệ Thủy
đối với miền Bắc trong thời gian nói trên. Chúng ta có thể làm rõ một số vấn đề
nổi bật sau.
Là huyện tiếp giáp
với khu Vĩnh Linh nên nơi đây được xem điểm cuối cùng để chuyển tiếp sức mạnh
của hậu phương miền Bắc cho miền Nam. Tất
cả hàng hóa, lương thực, phương tiện
chiến tranh khi vào miền Nam phần lớn tập kết tại Lệ Thủy, đây là nơi dừng
chân, tại đây hàng hóa, phương tiện chiến tranh được bảo vệ an toàn, nhân dân
còn chủ động phá nhà cửa làm đường để giao thông thông suốt, làm hầm để cất giữ
hàng hóa, che giấu cán bộ. Nhân dân Lệ Thủy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để
chuyển tiếp sức mạnh của hậu phương miền Bắc vào chiến trường và trong đó nhiều
người con của mãnh đất này đã ngã xuống.
Mẫu hình chiến
thuật quân sự nổi tiếng “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam” nghĩa là các lực lượng tập
kết ở Lệ Thủy, lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở Lệ Thủy, bộ đội
địa phương tỉnh đứng chân trên địa bàn Lệ Thủy vào chiến trường xong rút ra lại
Lệ Thủy, điều mà các nơi khác không có.
Các đơn vị tập kết, đứng chân ở địa bàn Lệ Thủy như Tổng đội Thanh niên xung
phong Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và dân công hỏa tuyến;
Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng;
đại đội 361 Lệ Thủy (thuộc tiểu đoàn 46 bộ đội địa phương tỉnh); tiểu đoàn 45
(bộ đội địa phương tỉnh Quảng Bình), Đoàn quân Nhật Lệ, tiểu Đoàn 9 bộ đội
Quảng Bình, tiểu đoàn 14. Nhiều đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ Quốc phòng, Quân
khu IV, Quân khu Trị - Thiên đều có hậu cứ ở Lệ Thủy: Sư đoàn 325, 341, 324,
316, 304, đoàn 559..., các bệnh viện, các trường Quân chính, trường Văn hóa
đóng quân lâu dài ở các xã Hoa Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Dương
Thủy. Tất cả các đơn vị này đứng chân trên địa bàn Lệ Thủy sau khi vào Nam
chiến đấu lại quay ra Lệ Thủy để củng cố lực lượng.
Lệ Thủy là một bằng
chứng sinh động về sự tồn tại một cách vững chải trong điều kiện bao vây, chia
cắt của đế quốc Mỹ. Trước sức tấn công của kẻ thù Lệ Thủy vẫn tồn tại được,
không những tồn tại được mà còn phát huy được vai trò vi trí của mình, nó chứng
minh cho một sự thật “Lệ Thủy còn thì miền Bắc còn”.
Có những thời điểm địch đánh phá ác liệt ngăn chặn khu IV trở vào, chia cắt Đèo
Ngang dẫn đến Quảng Bình nói chung và Lệ Thủy nói riêng mất liên lạc, nhân dân
Lệ Thủy tự lực tự cường tồn tại trong chiến đấu, sản xuất bằng năng lực của
mình để bảo vệ được quê hương. Trong chiến đấu, cùng với nhân dân toàn tỉnh
giành được những thắng lợi to lớn: Ngày 14-6-1966, quân dân Quảng Bình là tỉnh
đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi 200 máy bay của giặc Mỹ. Bác Hồ gửi thư khen và
căn dặn: “Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi 100 máy
bay Mỹ. Nay Quảng Bình lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ. Chúng ta
cần nhớ rằng: Địch càng thất bại thì càng điên cuồng hung dữ. Vì vậy, quân dân
tỉnh ta chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch, cần phải luôn luôn nêu cao
cảnh giác, ra sức thi đua quân dân miền Nam anh hùng, cố gắng chiến đấu giỏi,
sản xuất giỏi hơn nữa, cùng đồng bào cả nước kiên quyết chống Mỹ, cứu nước cho
đến thắng lợi hoàn toàn” [9, tr. 117]. Tiếp đó, ngày 9-4-1967, Quảng Bình là
tỉnh đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi 400 máy bay giặc Mỹ, Quảng Bình là tỉnh dẫn
đầu thành tích bắn chìm, bắn cháy tàu chiến tàu biệt kích Mỹ. Được tin Bác Hồ
gửi thư khen, thư Bác có đoạn viết: “Ba thứ quân của Quảng Bình đều lớn mạnh.
Đặc biệt dân quân, tự vệ, già trẻ, trai gái đã dùng súng bộ binh bắn rơi nhiều
máy bay Mỹ (64 chiếc). Dân quân gái hai lần bắn cháy tàu chiến Mỹ, Quảng Bình
đã lập được chiến công lớn lại có thành tích xuất sắc trong mọi công tác phục
vụ tiền tuyến...” [9, tr. 131]. Đến ngày 17-1-1973, dân quân huyện Lệ Thủy,
Quảng Bình đã bắn rơi một máy bay do thám Mỹ. Đây là chiếc máy bay cuối cùng
của giặc Mỹ bắn rơi trên toàn miền Bắc. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp
đã điện chúc mừng, biểu dương tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao của quân và
dân Quảng Bình. Đây là chiếc 704 mà nhân dân Quảng Bình đã bắn cháy trên tổng
4181 chiếc bị bắn rơi trên toàn Miền Bắc. Đặc biệt Đại đội nữ pháo binh Ngư
thủy được thành lập vào năm 1967 đã lập được chiến công rất oanh liệt bắn cháy
5 tàu chiến của Mỹ, trong đó trận đánh đầu tiên hạ tàu số 013 của Mỹ có ý nghĩa
rất to lớn, nó đã góp phần khẳng định khả năng làm chủ vũ khí kỹ thuật hiện
đại, khả năng chiến đấu giành thắng lợi của lực lượng nữ dân quân Lệ Thủy nói
riêng và Quảng Bình nói chung, chiến công này là nguồn động viên to lớn đối với
đối với lực lượng nữ dân quân tự vệ nói riêng và phong trào bắn cháy máy bay
trong toàn tỉnh. Trận đánh không những có tiếng vang trong nước, mà còn được
bạn bè quốc tế khen ngợi, nhiều đoàn quốc tế đã đến thăm và học tập kinh
nghiệm, thắng lợi của trận đánh đã góp phần chứng minh sức mạnh toàn dân đánh
giặc, chứng minh sự đúng đắn chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong sự nghiệp
chống Mỹ cứu nước, điều bất ngờ là đã làm cho kẻ địch không thể tin nổi một đơn
vị nữ dân quân ở miền biển đã sử dụng pháo 85 ly bắn cháy tàu khu trục của
chúng. Một chiến công đã làm nức lòng nhân dân Miền Bắc.
Song song với những thành tích trong chiến đấu, nhân
dân Lệ Thủy được biết đến với những thành tích trong sản xuất và các mặt khác.
Năm 1967, bộ trưởng bộ Nông nghiệp đã tặng cờ thi đua cho 9 hợp tác xã trên
toàn Miền Bắc thì huyện Lệ Thủy có hợp tác xã Đại Phong của xã Phong Thủy và
được nhận số tiền thưởng là 500 đ [7]. Lệ Thủy là vựa lúa lớn của cả tỉnh, và
cả miền Bắc, Lệ Thủy mất mùa thì cả tỉnh đói. Đồng thời còn cung cấp lúa chi
viện cho miền Nam với khẩu hiệu “nghiêng nồi trút gạo vì miền Nam ruột thịt, vì
Trị Thiên thân yêu”. Hợp tác xã Đại Phong (năm 1961 sát nhập với hợp tác xã
Thượng Phong thành hợp tác xã Việt Xô) nhiều năm liên tục vẫn giữ được danh
hiệu lá cờ đầu của nông nghiệp miền Bắc, nhiều địa phương trong nước và nước
ngoài đến tham quan học tập kinh nghiệm.
Trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước đặc biệt là trong những năm 1965-1973, địa bàn Lệ Thủy
không có hậu phương như các nơi khác. Ở Lệ Thủy chỉ có cách duy nhất là chiến
đấu tại chỗ, bám trụ tại chỗ. Lệ Thủy đã sử dụng hình thức sơ tán tại chỗ, một
kiểu di chuyển điển hình trong phạm vi làng xã, vừa di chuyển vừa chiến đấu, cơ
động, tránh sự đánh phá của kẻ thù, tất cả làng quê là một trận địa.
Cũng từ đây mà nhiều nơi địch càn quét giày xéo dân vẫn bám trụ tại chổ, tiếp
tục chiến đấu như ở xóm Liêm Ấp của xã Ngư Thủy hầu hết các ngôi nhà bị tàn
phá, hay cánh đồng Đại Phong dân vẫn bám trụ sản xuất, hồ Cẩm Ly địch đánh phá
ác liệt, có trận 30 người ngã xuống, nhiều người khác bị thương, nhưng quân và
dân vẫn đồng lòng bám trụ bảo vệ được hồ. Cũng chính vì lẽ đó, quê hương Lệ
Thủy là nơi xuất hiện nhiều khẩu hiệu để các nơi khác thi đua, học tập trong
điều kiện có chiến tranh như: “Bám hố bom sản xuất, bám đồng ruộng thâm canh”,
“tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng, im lặng là đồng minh của kẻ
thù”, “cho không lấy, thấy không xin, của công gìn giữ, của rơi trả lại”, “3
như: lãnh đạo như Cam Thủy, quản lý như Đại Phong, chiến đấu phòng không như
Ngư Thủy”. Vì thế Quảng Bình nói chung và Lệ Thủy nói riêng được cả nước biết
đến với phong trào thi đua trong thời chiến “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”.
Trong chiến tranh, thường thì các cụ già, em nhỏ, phụ nữ phải sơ tán đến nơi an
toàn còn Lệ Thủy thì các cụ, các mẹ, chị em phụ nữ lại tham gia vào các đội dân
quân tự vệ được trang bị vũ khí chiến đấu như bộ đội thường trực. Tiêu biểu là
đội tự vệ trực chiến của các cụ lão ở xã Mai Thủy, đại đội nữ pháo binh Ngư
Thủy. Bên cạnh đó, phụ nữ huyện Lệ Thủy đã phát huy vai trò của mình trong
chiến đấu, trong sản xuất và làm nhiệm vụ hậu phương. Qua thực tiển chiến đấu,
sản xuất, phục vụ chiến đấu phụ nữ Lệ Thủy đã có những đóng góp quan trọng; bộc
lộ những khả năng tiềm tàng được phát huy trong những điều kiện khó khăn nhất.
Không chỉ là lực lượng sản xuất chủ yếu trong chiến tranh với hơn 70% mà phụ nữ
Lệ thủy còn làm tốt nhiệm vụ chiến đấu, bắn máy bay, tàu chiến Mỹ, xung phong
vào chiến trường phục vụ bộ đội chiến đấu. Hàng ngàn thương binh, bệnh binh từ
chiến trường ra đã được chị em tận tình chăm sóc giặt giũ quần áo, bón từng
thìa cháo, dành cho anh em những tình cảm yêu thương, quý trọng nhất. Chị em
phụ nữ xã Hoa Thủy, Mai Thủy đã đóng góp hàng ngàn ngày công phục vụ cho viện
quân y 112, 41 đóng trên địa bàn. Đặc biệt, khi đón nhận 15.000 đồng bào Quảng
Trị ra tạm lánh ở địa phương, chị em đã chủ động sắp xếp trong gia đình để
nhường hầm trú ẩn, nhường chổ nằm cho bà con. Với tình cảm Bình - Trị - Thiên
ruột thịt và lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách”, chị em đã san sẽ với đồng bào
Quảng Trị từng bát cơm, manh áo, tận tình chăm sóc người tàn tật, người già, em
nhỏ, nâng đỡ 188 chị em sinh nở được mẹ tròn con vuông. Mẹ Nông ở xã Cam Thủy
nhận nuôi hai em bé tàn tật, mẹ Hới ở Thanh Thủy nhận nuôi một thương binh liệt
cả hai chân, tận tình chăm sóc yêu thương như con đẻ của mình. Trong điều kiện
chiến tranh, cuộc sống còn hết sức kham khổ, nhưng phụ nữ Lệ Thủy đã biết giữ
gìn và phát huy những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, góp phần vào
thắng lợi chung của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Lệ Thủy là hậu cứ
của các lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đây là nơi nuôi dưỡng,
chữa trị, phục hồi sức khỏe cho chiến sỹ từ chiến trường trở về, đồng thời bổ
sung thực lực để các đơn vị chiến đấu quay trở lại chiến trường. Lệ
Thủy là huyện đầu tiên tiếp nhận thương binh, nhân dân từ Vĩnh Linh, miền Nam
ra chiến đấu ra miền Bắc sơ tán, điều trị, trong thời gian ở Lệ Thủy, bà con
nhân dân được bố trí chỗ ăn nghỉ chu đáo trước khi ra các tỉnh Thái Bình, Nam
Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa để nuôi dưỡng. Nhiều đơn vị sau khi chiến đấu ở các
chiến trường ở Trị - Thiên, miền Nam đã ra Lệ Thủy bổ sung quân số, củng cố đơn
vị như đại đội 361, tiểu đoàn 46. Tại đây, nhân dân Lệ Thủy đã làm tốt vai trò
của mình, vừa chăm sóc thương bệnh binh từ chiến trường chu đáo, vừa luyện tập,
bổ sung lực lượng cho các đơn vị tiếp tục vào Nam chiến đấu.
Là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của cuộc
chiến tranh, hậu phương miền Bắc đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh,
đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tăng viện kịp thời về
mọi mặt cho miền Nam, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, từng bước làm thất bại các kế
hoạch chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Nhờ sự tăng viện tích cực của miền Bắc,
lực lượng so sánh giữa ta và địch ở miền Nam từng bước thay đổi có lợi cho ta.
Trên tinh thần đó nhân dân Lệ Thủy cũng đã làm rất tốt vai trò hậu phương của
mình đối với miền Nam. Trước hết biết xây dựng và bồi dưỡng tinh thần “tất cả
vì miền Nam thân yêu, vì Trị Thiên ruột thịt” với khẩu hiệu khi chiến trường
gọi nhân dân Lệ Thủy sẵn sàng có mặt. Để hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến
trường, huyện ủy đã tổ chức tuyên truyền giáo dục, xây dựng và bồi dưỡng tinh
thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng Mỹ xâm lược. Đối với Lệ Thủy,
khái niệm hậu phương được cụ thể hóa đối với miền Nam, đối với Trị - Thiên. Từ
nhận thức như vậy, huyện ủy đã tổ chức hàng loạt các hoạt động xã hội hướng về
chiến trường. Nhiều hoạt động hướng về Trị - Thiên đã được tổ chức thu hút đông
đảo quần chúng tham gia như phong trào xây dựng vườn dừa Trị - Thiên, hũ gạo
Trị - Thiên, các công trình mang tên Trị - Thiên. Từ sau năm 1965, khi đế quốc
Mỹ tiến hành ồ ạt chiến tranh ngăn chặn trên miền Bắc thì khẩu hiệu “tất cả cho
tiền tuyến” trở thành một cao trào thu hút sự tham gia của tất cả mọi tầng lớp
nhân dân Lệ Thủy. Nhân dân Lệ Thủy đã thu được thành công không chỉ trên lĩnh
vực chi viện trên đất Lệ Thủy, tổ chức chuyển tải tiềm lực cho Trị - Thiên,
miền Nam và nước bạn Lào qua các tuyến đường 15A, 1A và nhiều tuyến khác mà còn
đưa cả con em của mình trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở các chiến
trường. Cũng trong thời gian này, đáp ứng yêu cầu của chiến trường, tỉnh ủy
Quảng Bình quyết định thành lập Công trường thống nhất A, huy động các đội
thanh nhiên xung phong, các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh, tập trung khôi
phục, nâng cấp mở đường 16, đoạn ngã ba Thạch Bàn - Vít Thù Lù - Dốc Khỉ khoảng
44 km để đảm bảo cho đội vận tải cơ giới. Từ Dốc Khỉ mở tiếp đường gùi thồ vượt
đỉnh 1001, vươn tới Xê Băng Hiên, nối Tuyến Thống nhất B. Sau khi thông tuyến,
Trung ương điều 4.000 xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa vào làm nhiệm vụ chuyể tiếp
từ Dốc Khỉ vào Mường Trương, giao hàng cho Trị - Thiên ở Bắc đường 9. Hàng trăm
tấn hàng lương thực, dân sinh, kinh tế đến với chiến trường qua tuyến Thống
Nhất đã góp phần đẩy lùi nạn đói cho quân dân Trị - Thiên sau mặt trận 1968.
Cùng với quân dân cả tỉnh, nhân dân Lệ Thủy đã có sự đóng góp xứng đáng vào
việc mở tuyến Thống Nhất - tuyến vận chuyển ngắn nhất để nối liền Bình - Trị -
Thiên, làm cơ sở cho công tác chuẩn bị vật lực để phục vụ các chiến dịch quân
sự của ta về lâu dài sau này. Bài học từ kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo bồi
dưỡng và giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tinh thần quốc tế cao cả
đã góp phần nâng cao giá trị sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Lệ Thủy,
làm nhân thêm sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc ta.
Tiếp đó, thực hiện chủ trương của tỉnh ủy Quảng Bình
đưa các đơn vị bộ đội địa phương luân phiên nhau vào chiến đấu ở các mặt trận,
Đại đội 361 Lệ Thủy (thuộc Tiểu đoàn 46 bộ đội địa phương tỉnh) được lệnh vào
chiến đấu tại Mặt trận B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị), khi vào đây Đại đội 361
chuyển phiên hiệu thành C2, D46). Trong các trận đánh ở cao điểm 805 và Bắc
Động Cô Ha, đơn vị đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Sau 3
tháng hoạt động ở mặt trận Quảng Trị, tháng 9 năm 1969 đại đội 361 trở về Lệ
Thủy bổ sung quân số, củng cố đơn vị. Khi chiến dịch giải phóng hành lang Mường
Phìn nổ ra, đại đội 361 được lệnh phối hợp với tiểu đoàn 45 (bộ đội địa phương
tỉnh Quảng Bình) hành quân sang mặt trận Trung Lào chiến đấu giúp bạn. Trong
hai tháng, cùng với tiểu đoàn 45, đại đội 361 đã tham gia đánh địch 24 trận,
tiêu diệt 265 tên, phá hỏng một xe tăng, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân
dụng. Mặc dù chiến đấu trên địa hình mới lạ, đơn vị cùng tiểu đoàn 45 tổ chức
được 5 trận đánh tiêu diệt gọn trung đội địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đại
đội 361 đã thay mặt cho nhân dân Lệ Thủy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện
cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần tô thắm truyền
thống anh hùng của lực lượng vũ trang trên quê hương huyện lúa.
Bước sang năm 1971, để giữ vững thế trận tiến công trên
chiến trường, Bộ tư lệnh chiến dịch yêu cầu hậu phương chi viện lực lượng cho
hướng chủ yếu Trị - Thiên. Vừa gấp rút đưa các đơn vị bộ đội địa phương vào mặt
trận, tỉnh tiếp tục tuyển hàng nghìn tân binh bổ sung cho quân chủ lực. Riêng
huyện Lệ Thủy từ khi quân ta mở chiến dịch đường 9 - Nam Lào đến khi nổ ra cuộc
tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã có 1500 thanh niên lên đường nhập ngũ
vào chiến trường giết giặc. Riêng năm 1972 huyện giao quân vượt chỉ tiêu 4,2%.
Ngoài ra, còn có hàng trăm lượt dân quân, thanh niên trong các đội hỏa tuyến
trực tiếp phục vụ bộ đội chiến đấu trong hai chiến dịch quân sự lớn. Trong quá
tình chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên các đơn vị ở Quảng Bình đã phát huy truyền
thống của quê hương hai giỏi, dũng cảm chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc.
Đặc biệt là tấm gương hi sinh của đồng chí Nguyễn Văn Huệ, tiểu đội trưởng hỏa
lực, đơn vị K1, Đoàn Nhật Lệ quê ở xã Thanh Thủy huyện Lệ Thủy còn sống mãi
trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế.
Những năm tháng
chiến tranh đã qua, đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt. Hòa chung với cả
nước nhân dân Lệ Thủy nỗ lực hết sức mình để xây dựng quê hương quê hương giàu
đẹp để xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước, với những người con ưu tú của quê
hương đã ngã xuống trên mọi miền của tổ quốc.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
(1995), Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam,
tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (1995), Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập 2
(1954-1975), Đảng bộ tỉnh xuất bản.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lệ Thủy (1996), Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy, tập
1(1930-1954), Đảng bộ huyện xuất bản.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lệ Thủy (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy, tập 2
(1954-1975), Đảng bộ huyện xuất bản.
5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
(1994), Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ cứu
nước 1954-1975. In tại xí nghiệp in Quảng Bình.
6. Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy, Bộ Chỉ huy quân sự
huyện Lệ Thủy (1999), Lịch sử lực lượng
vũ trang nhân dân Lệ Thủy, tập 1, (1945-1995). Sở Văn hóa Thông tin Quảng
Bình.
7. Bộ Nông nghiệp (1967), Bộ trưởng bộ nông nghiệp tặng cờ tổng kết thi đua năm 1966, Trung
tâm lưu trữ Quảng Bình.
8. Cục Thống kê Quảng Bình (2002), Quảng Bình làm theo lời bác, Cục Thống kê Quảng Bình ấn hành.
9. Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu IV (2007), Công tác chính sách lực lượng vũ trang quân
khu IV(1947-2007), Xưởng in Quân khu IV.
10. Ủy ban hành chính Quảng Bình (1968), Quyết định về việc tặng cờ thi đua năm 1968
ngày 22 tháng 7 năm 1968, Trung tâm lưu trữ Quảng Bình.