1.Cái duyên đến với nghề dạy Sử.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo xã Hưng Thủy huyện Lệ Thủy trong một gia đình rất đỗi khó khăn, cha tôi dạy học ở trường làng còn mạ tôi thì cũng giống như những người phụ nữ khác một nắng hai sương lam lũ quanh năm.
Tôi còn nhớ lúc 5 tuổi tôi được học
trường mẫu giáo làng mà người dạy tôi lúc đó là cô Pha, ngày đầu tiên đến lớp
tôi cứ nép sau lưng mạ tôi mà không chịu ra tập cùng các bạn, tình hình không
thay đổi trong những ngày tiếp theo, cha mạ tôi thấy thế nên lo con mình sẽ
không học được, cuối cùng mạ tôi nãy ra sáng kiến cho em gái tôi lúc này khoảng
3 tuổi rưỡi đi học, trái với tôi em tôi rất dạn và dắt tôi ra lớp học cùng các
bạn, thế rồi nhờ em gái mà cha mạ tôi khỏi dắt tôi đi học và thoát khỏi sự lo
lắng về việc đi học của tôi, nhưng bản tính nhút nhát của tôi vẫn không thay
đổi. Thời gian cứ thế mà trôi nhanh, những năm tháng của thời học sinh với biết
bao nhiêu kỷ niệm đã dần dần lùi xa về quá khứ, tốt nghiệp 12 tôi nộp đơn thi
vào sư phạm Văn ở ĐHSP Huế vì từ nhỏ tôi đã rất yêu văn, nhưng kết quả tôi bị
trượt cả hai nguyện vọng do đó tôi học nguyện vọng 3 ở sư phạm Sử ở ĐHSP Đà
Nẵng. Tôi có duyên với nghề từ đó, 4 năm sinh viên khó khăn với những kỷ niệm
đẹp về tình thầy trò rồi cũng qua, ra trường được thầy Hà Văn Trung giới thiệu
là học trò cũ với thầy HT Hoàng Đình Tuấn nên tôi được về trường THPTBC Lệ Thủy
nay là THPT Nguyễn Chí Thanh công tác ngày vào ngày 23 tháng 8 năm 2006 với
nghiệp dạy sử.

2. Điều còn trăn trở sau giờ giảng
Vậy là 11 năm đứng trên bục giảng với
biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, bao nhiêu học sinh giờ đã khôn lớn, trưởng
thành và có lẽ đối với mỗi người thầy giáo đó là điều hạnh phúc nhất. Nhưng rồi
cứ sau mỗi giờ dạy bao nhiêu điều trăn trở mà mình chưa làm được lại thêm
lên. “Người thầy dạy sử là người không chỉ cung cấp cho kiến thức cho các em
để vượt qua các kỳ thi mà còn giáo dục các em lòng yêu nước, lòng tự hào
dân tộc, ý chí vươn lên và đặc biệt là giáo dục nhân cách giúp các em sống nhân
văn, biết yêu thương con người” nhưng có lẽ thầy chưa làm được một điều gì trọn
vẹn?
Có thể nói, xuyên suốt lịch sử dân tộc
Việt Nam chúng ta là những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để tồn tại và phát
triển, càng tự hào về những chiến thắng thì cũng thật đau đớn biết bao bởi vì
bao nhiêu người con đã ngã xuống, bao nhiêu thành quả xây dựng của cha ông bị
phá hủy, thầy lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của đại tướng Võ Nguyên Giáp “nếu
không có chiến tranh tôi đã trở thành một người thầy giáo”. Có lẽ chúng ta vẫn
biết trong các cuộc kháng chiến, bên cạnh chiến thắng chúng ta đã gặp nhiều
thất bại, nhiều tổn thất. Các em có biết không, nhiều chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc
biệt trước khi ra chiến trường đã làm “lễ truy điệu sống”, có những trận chúng
ta không còn một đồng chí nhưng hình như trong cuốn sách mà các em đang học chỉ
nói đến chiến thắng với biết bao chiến công mà chưa bao giờ nói đến thất bại.
Chúng ta tự hào về những chiến thắng nhưng thầy cũng muốn các em biết đến những
lần thất bại, tủi nhục để chúng ta biết trân trọng hơn về quá khứ và hơn hết để
các em rút ra những kinh nghiệm cho bản thân và thấy giá trị của hòa
bình, các em cứ nhìn vào những quốc gia như Libi, Ai Cập, Xiria thì thấy rõ,
trong khi các em đang được ngồi học dưới mái trường bình yên thì các bạn cùng
trang lứa với các em đang ở trong các trại tị nạn, những căn hầm tạm bợ, tất cả
cũng vì chiến tranh...
Bên cạnh đó, trong những giờ học lịch
sử, có thể vì do thời gian, cũng có thể vì chương trình hay sách giáo khoa hay
vì một lý do nào đó mà những câu chuyện về tính nhân văn, tinh thần yêu chuộng
hòa bình của con người Việt Nam không được nhắc đến. Các em à, con người Việt
Nam thật độ lượng, giàu lòng vị tha thậm chí ngay với kẻ thù của mình, những
câu chuyện nhịn ăn của các y tá để dành phần ăn của mình cho những người tù
binh bị bắt, hay một câu chuyện khác khi chuyển tù binh từ Hỏa Lò về sân bay
Cát Bi, bà con đứng xung quanh để xem nhưng không ai có hành động khiêu khích
cả, không chửi bới gào thét dù đó chính là kẻ thù của mình, chừng đó thôi để
thấy con người Việt Nam chúng ta đáng yêu và cao thượng biết nhường nào, xưa kia
Bác Hồ cũng đã dùng từ “chúng ta đánh đế quốc Mỹ, thực dân Pháp chứ có đánh
người Mỹ, người Pháp đâu”. Nhưng gần đây, thầy cảm giác như những hiện tượng
xung quanh đều xa rời bài giảng của thầy, các em đối xử với nhau không tình
cảm, không giúp đỡ lẫn nhau và hờ hững với mọi người xung quanh, tại sao các em
có thể like cảm thông chia sẻ với một dòng tâm sự trên Facebook về nỗi đau của
một ai đó nhưng thực tế bên ngoài các em lại vô tâm đến vậy, các em không dắt
tay một em nhỏ qua đường, các em không giúp một bà cụ bị quẹt xe ngã xuống,
thậm chí các em có thể lôi kéo tập hợp để đánh bạn bè, vậy là những giờ giảng
của thầy cô là vô bổ ư?
Còn một điều nữa làm thầy trăn trở mãi
mà cũng không tìm được câu trả lời, biết nói sao để các em hiểu vì đó là chuyện
ngoài khả năng của thầy, khoảng thời gian thầy cầm phấn đã có nhiều bạn
vì đam mê khối C trong đó có Sử mà đi thi và đỗ vào nhiều trường đại học. Nhưng
rồi sau mấy năm đèn sách các bạn lại không có việc làm, trong số đó có những cô
cậu là học sinh giỏi gắn bó với thầy, thầy sao không buồn được khi vào quán ăn
cơm trưa và tại đó thầy bắt gặp lại cô học trò xưa lam lũ phụ việc vì đã ra
trường 2 năm chưa có việc làm, và những câu hỏi lại lặp lại khi nhiều em thẳng
thắn hỏi học Sử để làm gì thầy? Thầy cũng chỉ có thể trả lời đó trách nhiệm của
một người dân yêu nước phải biết đến quá khứ của dân tộc mình, “ôn cố tri tân”
vì thế các em phải biết trân trọng và đối xử một cách thật nghiêm túc đối với
quá khứ bởi nếu “Anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh
bằng đại bác” Nói thế thôi chứ cũng không bắt ép được các em đúng không?
Thầy thấy thật có lỗi với các em, với
bộ môn mà mình đang dạy khi xong 3 năm đèn sách nhiều em không biết đồng
chí Trần Phú, Trường Chinh, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp,.. các em không biết đến Tô
Vĩnh Diện, La Văn Cầu,.. và buồn hơn nhiều em còn cho rằng Quang Trung và
Nguyễn Huệ; Trần Quốc Tuấn và Trần Hưng Đạo là hai người khác nhau, cũng có thể
do sách giáo khoa không đề cập đến, có thể vì đề thi không ra nên thầy không dạy
nhưng trong sâu thẳm thầy thấy có một phần lỗi của mình.
3. Thay cho lời kết
Còn rất nhiều điều trăn trở mà thầy
muốn mình được bộc bạch, chia sẻ với các em về nghề, về con đường mà thầy đã
chọn nhưng dù thầy có nói gì thêm hơn nữa cũng với mục đích cuối cùng là các em
qua những giờ học lịch sử hãy biết trân trọng những gì mà ta đã có, đang có và
sống tốt đẹp hơn. Học sử tức
là học những gì cả dân tộc đã phải đổ mồ hôi, máu, xương để có ngày hôm nay, đó
là lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là cả quá khứ đau thương, cả thành công và thất
bại, cả vinh quang và tủi nhục... của dân tộc bởi như Bác Hồ đã từng dạy: “Dân
ta phải biết Sử ta, cho tường gốc tích, nước nhà Việt Nam”.
Khi tôi viết những dòng này thì cũng
bất chợt được nghe câu hát về người thầy năm xưa trên loa phóng thanh của
trường với “chiếc áo sờn đôi vai, với đôi dép cao su và chiếc xe đạp cũ kỷ thầy
vẫn đi về trên những con đường xiết bao buồn vui lặng lẽ”, tự nhiên tôi lại nhớ
đến những người thầy người cô của mình năm xưa với lòng biết ơn trân trọng,
chính thầy cô đã gieo vào lòng tôi những ước mơ để sau này sẽ trở thành một
người thầy giáo.
Sau này có thể tôi sẽ trải nghiệm một
công việc khác nhưng những năm tháng trên bục giảng, và tình cảm thầy trò sẽ là
sẽ là những kỷ niệm ngọt ngào nhất để giúp tôi có động lực đi lên phía trước...
Lệ Thủy, tháng 10 năm 2017